Quay lại

Những truyền thống vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam trong tiến trình Cách mạng Việt Nam

TS. Trần Cao Nguyên   |   31/1/2024

1. Tóm tắt: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 là một bước ngoặt quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Những thắng lợi vĩ đại kể từ ngày có Đảng lãnh đạo là minh chứng sinh động nhất về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh to lớn của Nhân dân ta. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã xây dựng cho mình những truyền thống quý báu, thể hiện được bản chất tốt đẹp của Đảng tiên phong, của dân vì dân. Những truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam được đúc kết trên những nội dung cơ bản như: truyền thống yêu nước kiên cường bất khuất của dân tộc; truyền thống đoàn kết toàn dân tộc; đoàn kết trong Đảng; đoàn kết quốc tế trong sáng… góp phần đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử của Đảng lãnh đạo.


Từ khóa: Đảng tiên phong; truyền thống vẻ vang; tiến trình cách mạng.
2. Nội dung
* Phát huy truyền thống yêu nước kiên cường bất khuất của dân tộc
Tinh thần yêu nước là giá trị cơ bản trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu “tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam" và “chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Ở đây, bản chất Việt Nam biểu độ đầy đủ và tập trung nhất, hơn bất cứ chỗ nào khác. Yêu nước trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam.” . Đối với dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước không chỉ là một tình cảm tự nhiên, mà nó còn là sản phẩm của lịch sử được hun đúc từ chính lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc Việt Nam. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất của dân tộc tiếp tục được nâng lên với một thang giá trị mới kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Đảng tiếp tục phát huy được những giá trị truyền thống yêu nước nồng nàn – giá trị cốt lõi của dân tộc xuyên suốt mấy nghìn năm và kết hợp với khát vọng giành độc lập tự do cho dân tộc và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, nhiều thế hệ đảng viên kiên trung của Đảng và quần chúng cách mạng, chẳng nhưng luôn luôn đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, mà còn chấp nhận những gian khổ, hy sinh, kể cả hy sinh xương máu. Ngay sau khi Đảng ra đời, trong 15 năm Đảng lãnh đạo cách mạng đấu tranh giành độc lập cho dân tộc (1930-1945), đã có 14 đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, trong đó có 4 đồng chí Tổng Bí thư, anh dũng đón nhận sự hy sinh. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ 3 (9.1960) của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại sự hy sinh lớn lao đó: “Trong 31 đồng chí hiện nay là Ủy viên Trung ương ta, trước ngày khởi nghĩa đã được đế quốc Pháp tặng cho 222 năm tù đày”. “Trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng tháng Tám và trong tám, chín năm kháng chiến, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt. Chỉ riêng cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong nhà tù. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta” . Người khẳng định rằng: "Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do" .
Khi đất nước có họa xâm lăng, tinh thần yêu nước truyền thống lấy độc lập dân tộc làm mục tiêu cao nhất với phương châm "tất cả cho tiền tuyến", ngày nay, yêu nước phải là gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc là nấc thang để tiến tới mục tiêu cao hơn là mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” .
Tinh thần yêu nước, truyền thống Viết Nam gắn liền với tinh thần yêu chuộng hoà bình và tình hữu nghị giữa nhân dân lao động các dân tộc trên thế giới. Nó được kế thừa và phát triển trong quan điểm "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cây của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển" của Đảng ta. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười khẳng định: các thế hệ trước đây đã "rửa được nôi nhục nô lệ cho dân tộc", thế hệ ngay nay "phải tiếp nối sự nghiệp của lớp người đi trước, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà để rửa nỗi nhục nghèo khổ, mớ ra một chương sử mới rạng rỡ cho non sông Việt Nam vinh quang sánh vai cùng các dân tộc khác trên thế giới" . Đất nước đang tiến hành đổi mới và hội nhập sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hơn bao giờ hết, lòng yêu nước, tinh thần yêu nước của mỗi người gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Càng khó khăn, thử thách, truyền thống yêu nước, tinh thần yêu nước của mỗi người dân Việt Nam được hun đúc từ bao đời, trở thành sức mạnh Việt Nam, biểu tượng Việt Nam càng được tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ, tỏa sáng trên tinh thần: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”.

* Phát huy giá trị truyền thống đại đoàn kết dân tộc
Đối với lịch sử dân tộc ta, đoàn kết, cố kết trong cộng đồng tạo nên sức mạnh và trở thành yêu cầu khách quan trong quá trình dựng nước và giữ nước. Khi tổng kết lịch sử dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúc rút một quy luật: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi” . Đại đoàn kết dân tộc là chiến lược hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bất cứ giai đoạn nào của cách mạng, đại đoàn kết dân tộc luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm giải quyết trước hết: “Đoàn kết là truyền thống quý báu và là bài học lớn của cách mạng nước ta” .
Nhìn vào các phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam suốt nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chúng ta thấy rõ, nguyên nhân khiến cho hầu hết các phong trào đấu tranh yêu nước đó, dù nổ ra với tinh thần anh dũng, sẵn sàng hy sinh với tư tưởng “không công thành công cũng thành nhân” của nhân dân, nhưng tất cả đều thất bại, nguyên nhân là do bị chia rẽ và cô lập, các lực lượng yêu nước không được tập hợp và tổ chức lại thành một khối đoàn kết vững chắc. Cương lĩnh tháng 2 năm 1930 của Đảng ta được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo, khi đề ra chủ trương tập hợp lực lượng cho cách mạng Việt Nam đã đề ra một chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc - là một nội dung cơ bản, trung tâm của chính trị Việt Nam hiện đại. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh của cách mạng Việt Nam để làm nên nguồn lực tổng hợp hiện thực hóa mục tiêu cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” . Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “năm 1945 Đảng vẻn vẹn chỉ có độ 5.000 đảng viên (một số còn bị giam trong các nhà tù đế quốc). Thế mà Đảng đã đoàn kết và lãnh đạo được nhân dân cả nước, đưa cuộc tổng khởi nghĩa đến thành công. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, mà cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa” . Năm 1946, trước khi rời Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-b-lô, trong Thư gửi cho đồng bào Nam Bộ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta…Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang” .
Nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chấm dứt chế độ thuộc địa của Pháp, Nhật giành độc lập dân tộc. Sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của toàn dân đã quyết định thắng lợi. “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng” (Hồ Chí Minh). Đảng lãnh đạo phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã giành thắng lợi suốt 30 năm kháng chiến (1945-1975) giành độc lập, thống nhất hoàn toàn. Trong công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đề cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau nhưng không trái với lợi ích chung của dân tộc. Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung tăng cường đồng thuận xã hội. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội với mục tiêu được Đảng ta đưa ra trong Đại hội XIII của Đảng là: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại” 
* Phát huy truyền thống đoàn kết trong Đảng
V.I.Lênin chỉ rõ “Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi, Đảng phải có sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ, tuyệt đối; đoàn kết là nguồn gốc, sức mạnh chủ yếu, vô tận và vô địch của Đảng” . Nhìn lại lịch sử thế giới hiện đại, những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chúng ta chứng kiến sự chia rẽ nội bộ các Đảng cầm quyền ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã dẫn đến sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở những nước này.
Trong quá trình vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân vào xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta” . Muốn đoàn kết thống nhất trong Đảng phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” . Vì vậy, Người căn dặn: Các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến tới thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người còn chỉ dẫn: “Đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa” .
Thực tiễn cách mạng Việt Nam suốt 94 năm do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, thực hiện tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết thống nhất trong Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo nên nguồn sức mạnh vô song, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam á; là thắng lợi của 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (5.1954) vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Đó còn là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. Sau 38 năm đổi mới, lãnh đạo nhân dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và có ý nghĩa lịch sử, Đảng ta càng ý thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế trong sáng
Đó là truyền thống đoàn kết quốc tế thuỷ chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả cùng mục đích xây dựng một thế giới hòa bình, đại đồng. Đây là cơ sở vững chắc để Đảng ta hình thành và thực hiện thành công đường lối đối ngoại đúng đắn qua các thời kỳ, phát huy đến đỉnh cao sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa cách mạng Việt Nam liên tục phát triển.
Quá trình tìm tòi con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc thực dân, từ năm 1911, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, xác lập và củng cố mối quan hệ giữa cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, họp ở thành phố Tours, Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người đã đặt nền móng cho tình đoàn kết chiến đấu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trên cơ sở nhận thức cách mạng Việt Nam là một bộ phận, có quan hệ mật thiết với cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới. Vì vậy, trong những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù, “giúp bạn là tự giúp mình” coi trọng, thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân thế giới và các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; với nhân dân và các dân tộc Á, Phi, Mỹ La-tinh... Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước cách mạng kiểu mới ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt nền móng, xây dựng và phát triển nền ngoại giao cách mạng của nước Việt Nam độc lập. Cùng với mặt trận quân sự tiến hành các cuộc kháng chiến để giành độc lập, thống nhất hoàn toàn, mặt trận ngoại giao được đẩy mạnh và góp phần xứng đáng vào sự phát triển và thắng lợi của cách mạng và dân tộc Việt Nam. Đấu tranh ngoại giao với những bước đi gắn với những mốc lịch sử quan trọng. Ký Hiệp định sơ bộ với Pháp ngày 6-3-1946, tiếp đó là Tạm ước 14-9-1946. Ngày 21-7-1954 ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, các nước lớn công nhận các quyền dân tộc cơ bản về độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 27-1-1973, ký kết Hiệp định Paris, Hoa Kỳ cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất. Ngày 20-9-1977, Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, dân tộc Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng mạnh cũng bởi nhờ toàn dân luôn đoàn kết một lòng; đồng thời, đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về tinh thần và vật chất của các nước anh em, của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Vì thế, Người đã bày tỏ mong muốn đến ngày thắng lợi “Sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta” . Đó là biểu hiện truyền thống đoàn kết, thủy chung của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Người chủ trương thực hiện đoàn kết sâu sắc triệt để trên nguyên tắc bình đẳng dân tộc và hợp tác cùng có lợi. Đoàn kết và hợp tác quốc tế là tập hợp lực lượng bên ngoài, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ quốc tế để làm tăng thêm khả năng tự lực, tự cường, tạo điều kiện làm chuyển biến lực lượng có lợi cho cách mạng trong nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình thế giới. Ngay đối với Mỹ là nước đưa quân sang xâm lược Việt Nam, Người cũng nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết phân biệt sự khác nhau giữa những người Mỹ xâm lược và nhân dân Mỹ, được biểu hiện thông qua bức Thư gửi nhân dân Mỹ tháng 12-1961, trong đó nêu rõ: “Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam không thù không oán. Nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là một dân tộc đầu tiên đã phất cờ chống chủ nghĩa thực dân (1775 – 1783) và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn… Hiện nay, Chính phủ Mỹ đang dùng quân sự can thiệp vào nội bộ Việt Nam, đang âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi buộc phải đấu tranh chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Và chúng tôi mong các bạn hành động ngay để ngăn cản Chính phủ Mỹ phát động một cuộc chiến tranh phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam” 
Những năm trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, các nước xã hội chủ nghĩa xuất hiện sự bất hoà, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều hết mình để củng cố khối đoàn kết. Người viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em” . Chủ tịch Hồ Chí Minh mong rằng, Đảng ta và toàn thể nhân dân Việt Nam cần nêu cao vai trò, nghĩa vụ quốc tế, đóng góp thiết thực cho phong trào cách mạng thế giới đi đến thắng lợi. Người viết: “Tôi mong rằng, Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình” .  Người tin tưởng và căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” . Hiện nay, để vận dụng, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra: thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Phát triển trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời thông qua đây để tiến hành bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
3. Kết luận
 Những truyền thống quý báu của Đảng ta là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của giai cấp công nhân Việt Nam và giai cấp công nhân quốc tế trên một tầm cao mới của thời đại; là sức mạnh bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng; là kết quả của quá trình vun trồng, xây đắp bền bỉ, là sự hy sinh xương máu, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, đảng viên. Những truyền thống ấy của Đảng có ý nghĩa dân tộc và ý nghĩa quốc tế sâu sắc, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để, là nên tảng để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, phồn thịnh. 



Cùng chuyên mục